HƯỚNG DẪN CÁCH KÊ KHAI HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ BỊ BỎ SÓT

Banner

Câu hỏi: Thời gian gần đây, có rất nhiều đơn vị liên hệ với TFV CONSULTANT để hỏi về cách xử lý hóa đơn điện tử bị bỏ sót như thế nào?

Trả lởi: Trong phần này, chúng tôi chỉ tập trung giải đáp các vấn đề liên quan đến hóa đơn điện tử được áp dụng theo Thông tư 78/2021/TT-BTC. 

Vì sao chúng tôi chỉ giải thích theo Thông tư 78/2021/TT-BTC ?”. 

- Thứ nhất, hiện nay 100% các công ty đã áp dụng xây dựng hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo thông tư này.

- Thứ hai, thông tư này được áp dụng trong thời gian cũng khá lâu (đến thời điểm này đã hơn 3 năm).

=> Các doanh nghiệp muốn xử lý các hóa đơn bỏ sót trước khi áp dụng Thông tư 78/2021/TT-BTC thì có thể xem trong Nghị định 51/2010/NĐ-CP.

1./ Căn cứ pháp lý 

- Khoản 1, Điều 47, Luật Quản lý thuế 2019

   + Khi doanh nghiệp phát hiện trong hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì doanh nghiệp được kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế đáp ứng 2 điều kiện sau:

   + Kê khai trong vòng 10 năm kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót;

   + Kê khai trước khi cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền có quyết định thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

   + Doanh nghiệp vẫn có thể khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế. Tuy nhiên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 142 và Điều 143 của Luật Quản lý thuế số 38/20219/QH14.

- Khoản 4, Điều 7, Nghị định 126/2020/NĐ-CP

   + Trường hợp không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp chỉ cần nộp bản giải trình khai bổ sung cùng các tài liệu, chứng từ có liên quan mà không phải nộp tờ khai bổ sung;

   + Trường hợp chưa nộp hồ sơ quyết toán thuế cuối năm thì doanh nghiệp khai bổ sung hồ sơ khai thuế của tháng, quý có phát sinh hóa đơn sai sót;

   + Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì doanh nghiệp khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm;

   + Doanh nghiệp kê khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế GTGT phải nộp hoặc giảm số thuế GTGT đã được hoàn, thì phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp tăng thêm hoặc số tiền thuế đã được ngân sách nhà nước hoàn thừa và tiền chậm nộp (nếu có);

   + Nếu khai bổ sung làm tăng hoặc giảm số thuế GTGT được khấu trừ chuyển kỳ sau thì doanh nghiệp kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại;

   + Doanh nghiệp chỉ được khai bổ sung tăng số thuế GTGT đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế cho kỳ tính thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT.

2./ Hướng dẫn kê khai hóa đơn điện tử bị bỏ sót

- Doanh nghiệp có thể kê khai bổ sung hóa đơn GTGT đầu vào bị bỏ sót của các kỳ khai thuế trước đó vào bất cứ thời điểm nào nhưng phải trước khi cơ quan thuế có quyết định thanh tra, kiểm tra thuế.

- Các hóa đơn đầu vào bị bỏ sót của ký khai thuế nào, năm phát sinh nào thì điều chỉnh, kê khai lại chi phí của kỳ khai thuế đó, của năm đó. Không được hạch toán hóa đơn đầu vào bị bỏ sót vào kỳ khai thuế hiện tại.

- Làm lại báo cáo tài chính (nếu bổ sung hóa đơn bỏ sót thuộc các năm trước) để phản ánh chính xác chi phí, lợi nhuận và nghĩa vụ thuế của năm đó.

- Làm tờ khai bổ sung quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm trước để tính lại số thuế phải nộp.

Ví dụ: 

Thời điểm hiện tại là Quý 4 năm 2024 và Doanh nghiệp kê khai thuế theo Quý.

Tại thời điểm này, doanh nghiệp phát hiện hóa đơn GTGT của tháng 3/2022 bị bỏ sót; tháng 8/2022 bị bỏ sót; tháng 5/2023 bị bỏ sót thì doanh nghiệp làm như sau:

+ Hóa đơn GTGT của tháng 3/2022 bị bỏ sót thì doanh nghiệp kê khai bổ sung (tờ khai bổ sung) các hóa đơn này vào Tờ khai bổ sung Quý 1/2022. Đồng thời, kê khai bổ sung các tờ khai GTGT của các kỳ khai thuế sau đó, Tờ khai TNDN và Báo cáo tài chính đến thời điểm hiện tại.

+ Hóa đơn GTGT của tháng 8/2022 bị bỏ sót thì doanh nghiệp kê khai bổ sung (tờ khai bổ sung) các hóa đơn này vào Tờ khai bổ sung Quý 3/2022. Đồng thời, kê khai bổ sung các tờ khai GTGT của các kỳ khai thuế sau đó, Tờ khai TNDN và Báo cáo tài chính đến thời điểm hiện tại.

+ Hóa đơn GTGT của tháng 5/2023 bị bỏ sót thì doanh nghiệp kê khai bổ sung (tờ khai bổ sung) các hóa đơn này vào Tờ khai bổ sung Quý 2/2023. Đồng thời, kê khai bổ sung các tờ khai GTGT của các kỳ khai thuế sau đó, Tờ khai TNDN và Báo cáo tài chính đến thời điểm hiện tại.

=> Việc làm lại tờ khai thuế, báo cáo tài chính mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nên các doanh nghiệp phải cẩn thận kiểm tra số lượng hóa đơn đầy đủ trước khi kê khai.

3./ Cách tra cứu để tránh bỏ sót hóa đơn

Để hạn chế, tránh bỏ sót hóa đơn đầu vào, doanh nghiệp có thể tra cứu hóa đơn đầu vào theo các bước như sau:

- Bước 1: Truy cập website “https://hoadondientu.gdt.gov.vn”

- Bước 2: Đăng nhập hệ thống tra cứu hóa đơn điện tử bằng mã số thuế công ty và mật khẩu đã được cung cấp

- Bước 3: Chọn mục [Tra cứu] => [Tra cứu hóa đơn]

- Bước 4: Chọn [Tra cứu hóa đơn điện tử mua vào]

- Bước 5: Nhập dữ vào ô [Ngày lập hóa đơn] theo khoảng thời gian muốn tra cứu (Thời hạn tra cứu tối đa là 31 ngày, nếu muốn tra cứu của nhiều tháng thì phải tra cứu nhiều lần)

- Bước 6: Sau đó chọn [Kết quả kiểm tra] - Tra cứu 2 mục trong kết quả kiểm tra: [Đã cấp mã hóa đơn] và [Tổng cục thuế đã nhận không mã] (để tra cứu được cả hóa đơn có mã và không mã của cơ quan thuế) => Tìm kiếm

- Bước 7: Hệ thống sẽ trả về các hóa đơn đầu vào có mã/không mã của doanh nghiệp trong khoảng thời gian do bạn chọn.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề xử lý hóa đơn điện tử bị bỏ sót. Nếu có các thắc mắc nào khác Quý Khách Hàng có thể nhắn tin hoặc liên hệ trực tiếp (số điện thoại bên dưới) để được giải đáp.

Bài viết được chia sẻ bởi TFV CONSULTANT. Hãy ghi nguồn và trích dẫn liên kết nếu như bạn muốn sao chép nội dung bài viết. Xin chân thành cảm ơn!

Banner