DOANH NGHIỆP CẦN BỔ SUNG HĐLĐ KHI THAY ĐỔI ĐỊA CHỈ TRỤ SỞ CHÍNH
Hỏi/ đáp: Khi chuyển đổi địa điểm của Doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần làm những thủ tục gì liên quan đến người lao động?
Trả lời: Trong khi giao kết hợp đồng lao động thì giữa người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về địa điểm làm việc. Vậy khi doanh nghiệp thay đổi địa điểm làm việc thì cần làm phụ lục hợp đồng bổ sung thông tin địa chỉ làm việc đối với người lao động.
Căn cứ theo Điều 30 Bộ Luật Lao động năm 2019 có quy định về thực hiện công việc theo hợp đồng như sau:
“Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động hoặc theo thỏa thuận khác giữa hai bên”.
Theo quy định trên thì người sử dụng lao động phải bố trí nơi làm việc của lao động theo sự thỏa thuận của 2 bên và được ghi nhận trong hợp đồng lao động.
Trong trường hợp doanh nghiệp đổi địa điểm làm việc của người lao động thì phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp đồng theo Điều 35 Bộ Luật Lao động năm 2019, cụ thể:
“Điều 35. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết”.
Như vậy khi thay đổi địa chỉ làm việc thì bên doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động ít nhất 03 ngày để tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trong trường hợp người sử dụng lao động tự ý chuyển người lao động đến địa điểm mới mà không thông báo trước cho người lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 7 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Bộ luật lao động.
b) Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác.
c) Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”
Trên đây là những tư vấn sơ bộ của TFV CONSULTANT. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi theo quy định của pháp luật. Nếu có bất cứ thắc mắc hay khó khăn nào, xin vui lòng liên hệ trực tiếp để được hướng dẫn.
Bảng giá dịch vụ "Thành lập công ty - thay đổi giấy phép kinh doanh" vui lòng click vào đây => Bảng giá dịch vụ
Bảng giá dịch vụ "Giấy phép con" vui lòng click vào đây => Bảng giá dịch vụ
Bảng giá dịch vụ "Kế toán - dịch vụ báo cáo thuế" vui lòng click vào đây: Bảng giá dịch vụ
Bài viết được chia sẻ bởi TFV CONSULTANT. Hãy ghi nguồn và trích dẫn liên kết nếu như bạn muốn sao chép nội dung bài viết. Xin chân thành cảm ơn./